Hãy cùng Clever Ads tìm hiểu Seeding là gì? Khám phá chiến lược tiếp thị hiệu quả giúp lan truyền thông điệp thương hiệu một cách tự nhiên.
1. Seeding là gì?
Seeding là một thuật ngữ marketing ám chỉ việc “gieo mầm thông tin” về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu để chúng nảy mầm và lan rộng trong cộng đồng người tiêu dùng, tạo nên hiệu ứng truyền miệng (word-of-mouth) mạnh mẽ.
Bản chất của seeding là gì?
Là tạo ra những nội dung, thảo luận, đánh giá về một sản phẩm hoặc thương hiệu một cách có chiến lược nhưng lại mang dáng vẻ tự nhiên và không gượng ép. Điều này tạo cảm giác rằng thông tin đến từ những người tiêu dùng thực, không phải từ chính thương hiệu, từ đó tăng độ tin cậy và sức thuyết phục đối với khách hàng tiềm năng.
Seeding giúp doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu, xây dựng uy tín và thúc đẩy mua hàng nhờ các cuộc thảo luận tự nhiên. Đồng thời chiến lược này còn hỗ trợ SEO giúp doanh nghiệp cải thiện thứ hạng tìm kiếm tự nhiên, tiết kiệm chi phí quảng cáo.
2. Các hình thức Seeding phổ biến hiện nay
2.1. Mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành chiến trường chính nơi các marketer triển khai vũ khí bí mật seeding. Sức mạnh của seeding trên mạng xã hội nằm ở khả năng tạo ra hiệu ứng viral tự nhiên, khi người dùng tự nguyện chia sẻ thông tin với mạng lưới bạn bè của mình.
Với hàng triệu người dùng hoạt động hàng ngày, các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok hay YouTube là môi trường lý tưởng để thông tin lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Tại đây, seeding được thực hiện thông qua:
- Bài đăng
- Bình luận
- Nhóm thảo luận
- Short video
2.2. Seeding qua Influencer
Seeding qua Influencer là hình thức đặc biệt hiệu quả nhờ sức ảnh hưởng và độ tin cậy mà những người này tạo dựng được với cộng đồng người theo dõi khiến thông tin được đón nhận một cách cởi mở và ít bị nghi ngờ hơn.
Tìm hiểu thêm: Influencer Marketing là gì? Tổng quan kiến thức từ A đến Z
2.3. Seeding tự nhiên và Seeding trả phí
Là hai cách tiếp cận khác nhau nhưng đều hướng đến cùng một mục tiêu. Sự khác biệt chính giữa hai hình thức này nằm ở tính chân thực và cách thông tin được kiểm soát.
- Seeding tự nhiên xảy ra khi người tiêu dùng thực sự hài lòng với sản phẩm và tự nguyện chia sẻ trải nghiệm của họ, không có sự can thiệp trực tiếp từ thương hiệu.
- Seeding trả phí là khi thương hiệu chủ động trả tiền hoặc cung cấp sản phẩm miễn phí cho những người có sức ảnh hưởng để họ nói về sản phẩm.
2.4. Seeding ngầm và Seeding công khai
Seeding ngầm và seeding công khai là hai chiến thuật được lựa chọn tùy theo mục tiêu của thương hiệu.
- Seeding ngầm là hình thức tinh vi hơn khi thương hiệu không công khai mối quan hệ với người seeding, tạo cảm giác thông tin hoàn toàn khách quan và tự nhiên. Tuy nhiên, cách này có thể gây tranh cãi về mặt đạo đức bởi nó khiến nhiều người lầm tưởng đây là seeding tự nhiên.
- Ngược lại, seeding công khai minh bạch hơn khi người ảnh hưởng công khai thừa nhận mối quan hệ hợp tác với thương hiệu, đảm bảo tính trung thực nhưng vẫn giữ được sự tự nhiên trong cách truyền tải thông điệp.
3. Cơ chế hoạt động của Seeding là gì?
3.1. Nguyên lý lan truyền thông tin
Khi một người chia sẻ thông tin với mạng lưới của họ, những người trong mạng lưới này lại tiếp tục chia sẻ với mạng lưới của riêng họ và tiếp tục nữa rồi tạo ra hiệu ứng domino.
Marketer khôn ngoan sẽ bắt đầu bằng việc gieo hạt thông tin vào những cộng đồng có khả năng lan truyền cao nhất, chẳng hạn như những nhóm người dùng có sức ảnh hưởng hoặc những người có mạng lưới rộng lớn.
3.2. Hiệu ứng tâm lý đám đông
Con người có xu hướng bị ảnh hưởng bởi hành vi và ý kiến của số đông. Seeding tận dụng tâm lý này bằng cách tạo ra cảm giác rằng mọi người đều đang nói về một sản phẩm nào đó, từ đó kích thích sự tò mò và ham muốn trải nghiệm của người tiêu dùng tiềm năng.
Chi tiết: Hiệu ứng đám đông: Khám phá sức mạnh ẩn sau sự lan truyền
3.3. Tính xác thực và sự đồng cảm
Sức mạnh của seeding trong việc tạo niềm tin từ người dùng nằm ở tính xác thực và sự đồng cảm.
Người tiêu dùng thường tin tưởng hơn khi thông tin về một sản phẩm được chia sẻ bởi những người không có lợi ích trực tiếp từ việc quảng bá sản phẩm đó. Họ cảm thấy mình đang nhận được lời khuyên chân thành từ những người có trải nghiệm thực tế chứ không phải thông điệp marketing được lên kế hoạch cẩn thận.
4. Quy trình triển khai Seeding chuyên nghiệp
4.1. Nhận diện thương hiệu
Nhận diện thương hiệu là mục tiêu cốt lõi và thường là bước đầu tiên trong quy trình seeding chuyên nghiệp. Giai đoạn này các chiến dịch seeding được tạo ra nhằm mục tiêu thu hút được người tiêu dùng quan tâm và bàn luận về sản phẩm mới hoặc sắp ra mắt của công ty.
4.2. Tăng giá trị cảm xúc
Yếu tố cảm xúc trong seeding đặc biệt hiệu quả vì nó được truyền tải qua góc nhìn cá nhân đáng tin cậy. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải tạo ra nhiều “điểm chạm” với người tiêu dùng một cách tự nhiên, khiến họ cảm thấy gần gũi với thương hiệu mà không cảm thấy bị dội bom quảng cáo.
4.3. Hành động trực tiếp
Giai đoạn cuối cùng trong quy trình seeding là khuyến khích người tiêu dùng thực hiện hành động trực tiếp. Đây có thể là việc mua hàng, đăng ký dịch vụ, tham gia sự kiện hoặc chia sẻ thông tin về thương hiệu với bạn bè và gia đình.
Điểm mạnh của seeding trong việc thúc đẩy hành động trực tiếp nằm ở khả năng tạo ra hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out – Nỗi sợ bỏ lỡ). Khi người tiêu dùng thấy nhiều người đang trải nghiệm và yêu thích một sản phẩm sẽ khiến họ dễ cảm thấy sợ về việc bỏ lỡ sản phẩm đó. Cảm giác này thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng và dứt khoát hơn so với các phương pháp marketing truyền thống.
5. Chiến lược Seeding trong các ngành kinh doanh
5.1. Thời trang và mỹ phẩm
Các thương hiệu thường gửi sản phẩm mới cho influencer, beauty blogger trước khi chính thức ra mắt kích thích sự tò mò của cộng đồng. Những review chân thực, hình ảnh đẹp mắt và video trải nghiệm sản phẩm từ những người có sức ảnh hưởng nhanh chóng lan truyền tạo ra sự chú ý và mong muốn trải nghiệm từ người tiêu dùng.
Chiến dịch seeding thành công đã giúp nhiều thương hiệu mỹ phẩm từ vô danh trở thành xu hướng chỉ trong thời gian ngắn như trường hợp của thương hiệu CeraVe. CeraVe đã trở thành hiện tượng toàn cầu sau khi bác sĩ da liễu nổi tiếng Dr. Dray và Tiktoker Hyram Yarbro liên tục nhắc đến trong các video TikTok của họ.
Thương hiệu đồng hồ Daniel Wellington áp dụng chiến lược seeding ngầm bằng cách gửi sản phẩm miễn phí đến hàng nghìn micro-influencer trên Instagram tạo ra cảm giác chiếc đồng hồ xuất hiện ở khắp mọi nơi.
5.2. F&B
Trong ngành F&B, seeding thường tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm thực phẩm đáng nhớ và đáng chia sẻ. Nhà hàng mới, quán cà phê hay thương hiệu thức ăn nhanh thường mời food blogger, Instagram influencer đến trải nghiệm, tạo ra những hình ảnh món ăn hấp dẫn đẹp không góc chết lan truyền trên mạng xã hội.
Đọc thêm: Marketing nhà hàng: Chìa khóa thành công trên thị trường F&B
5.3. Công nghệ
Trong lĩnh vực công nghệ, seeding tập trung vào việc tạo hiệu ứng chờ đợi cho sản phẩm mới. Các thương hiệu như Apple, Samsung thường áp dụng chiến lược rò rỉ thông tin có kiểm soát về sản phẩm sắp ra mắt, khiến cộng đồng công nghệ liên tục thảo luận về mẫu mã, tính năng mới. Các tech reviewer có ảnh hưởng thường sẽ là những người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới và đưa ra đánh giá chi tiết, khách quan nhất làm bùng nổ thảo luận trên các diễn đàn công nghệ.
Hiệu ứng FOMO được tạo ra thông qua seeding là lý do chính khiến nhiều người sẵn sàng xếp hàng qua đêm để mua sản phẩm Apple vào ngày đầu tiên ra mắt.

5.4. Giải trí
Trong ngành giải trí, seeding là chiến lược không thể thiếu để tạo viral cho phim ảnh, âm nhạc hay game mới.
Các nhà sản xuất thường cho phép một số người chơi thử nghiệm game trước khi phát hành, chiếu sớm phim cho nhà phê bình, hoặc phát hành snippet nhạc trên YouTube và TikTok để tạo xu hướng. Hiệu ứng viral từ seeding đúng cách không chỉ tạo ra doanh thu trực tiếp mà còn xây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành lâu dài.

6. Những sai lầm cần tránh khi sử dụng seeding là gì?
6.1. Seeding lộ liễu
Seeding quá lộ liễu là lý do phổ biến nhất khiến chiến dịch seeding thất bại và thậm chí gây phản cảm với người tiêu dùng.
Khi các bài đăng seeding sử dụng quá nhiều thuật ngữ quảng cáo hoặc nhiều influencer đăng nội dung giống hệt nhau trong cùng một thời điểm, người tiêu dùng ngay lập tức nhận ra đây là một chiến dịch quảng cáo trá hình. Điều này không chỉ làm mất đi yếu tố tự nhiên và đáng tin cậy của seeding mà còn có thể tạo ra phản ứng tiêu cực đối với thương hiệu.
6.2. Chọn sai đối tác seeding
Cụ thể, một thương hiệu thực phẩm hữu cơ cao cấp sẽ mất độ tin cậy nếu được quảng bá bởi một influencer vốn nổi tiếng với lối sống không lành mạnh hay một thương hiệu xa xỉ phong cách thanh lịch sẽ giảm giá trị khi liên kết với influencer có phong cách bụi bặm.
Sự không nhất quán giữa hình ảnh đối tác thương hiệu không chỉ làm giảm hiệu quả của chiến dịch seeding mà còn khiến thương hiệu bị nhận thức là thiếu chân thực hoặc không hiểu rõ bản sắc của chính mình. Vì vậy, việc lựa chọn đối tác seeding cần dựa trên sự phù hợp về giá trị, phong cách và đối tượng khán giả, chứ không chỉ dựa vào số lượng người theo dõi.
6.3. Thiếu tính nhất quán
Khi các nội dung seeding truyền tải những thông điệp khác nhau hoặc nhấn mạnh vào các giá trị khác nhau của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ cảm thấy bối rối và khó hình thành một ấn tượng rõ ràng về thương hiệu.
6.4. Vấn đề đạo đức và pháp lý
Việc sử dụng seeding để lan truyền thông tin sai lệch hoặc phóng đại quá mức về sản phẩm cũng có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý liên quan đến quảng cáo gian dối. Không tuân thủ các quy định này không chỉ dẫn đến các hình phạt pháp lý mà còn có thể gây tổn hại đến uy tín của cả thương hiệu và người ảnh hưởng.
Vì vậy, dù seeding có tinh tế đến đâu thì thương hiệu vẫn cần đảm bảo tính trung thực và tuân thủ các quy định pháp luật.
Lời kết
Seeding đã và đang chứng minh mình là một vũ khí vô cùng hiệu quả trong kho tàng chiến lược marketing hiện nay. Tuy nhiên, thành công của seeding không đơn thuần phụ thuộc vào việc gieo thông tin một cách đại trà mà đòi hỏi doanh nghiệp triển khai chiến lược sao cho vừa tinh tế vừa chuyên nghiệp.
Liên hệ với CleverAds ngay hôm nay để được tư vấn về các giải pháp Digital Marketing & Performance cho thương hiệu!