AI Marketing & Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Marketing
AI Marketing dần trở nên phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng sáng tạo, tối ưu hiệu suất công việc và tăng cường trải nghiệm khách hàng với sự phát triển của công nghệ tân tiến.
Bài viết dưới đây, CleverAds sẽ làm rõ cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động tiếp thị, quảng cáo.
1. Tổng quan về AI Marketing
1.1. AI Marketing là gì?
AI Marketing là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động quảng cáo, tiếp thị nhằm tự động hoá, cá nhân hoá, hỗ trợ quá trình sáng tạo cũng như tối ưu hiệu suất làm việc.
1.2. Lợi ích của AI Marketing
Với sự phát triển và ra đời của nhiều công cụ AI, trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành trợ thủ đắc lực cho các Marketers, cũng như doanh nghiệp.
Một số lợi ích AI Marketing mang lại:
- Giải phóng doanh nghiệp khỏi các tác vụ thủ công lặp đi lặp lại.
- Hỗ trợ đọc vị khách hàng thấu đáo qua khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu.
- Giúp dự đoán xu hướng thị trường, hành vi khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội dẫn đầu.
2. Ứng dụng của AI Marketing
2.1. Dự đoán thị trường với AI Marketing
AI có khả năng xử lý bộ dữ liệu khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó đưa ra các dự đoán xu hướng như nhu cầu thị trường, hành vi mua sắm, hay biến động giá cả.
Với khả năng dự đoán, AI giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiên phong, bắt kịp xu hướng và tối ưu hiệu suất công việc.
2.2. Sáng tạo nội dung trong AI Marketing
Các doanh nghiệp có thể tận dụng tiềm năng của AI Marketing trong sáng tạo nội dung nhằm tối ưu thời gian và nâng cao chất lượng công việc.
AI Marketing có khả năng đề xuất ý tưởng mới mẻ, sản xuất bài viết, phát triển hình ảnh, video và giọng nói dựa trên các yêu cầu cụ thể.
Khi sử dụng các công cụ AI, doanh nghiệp cần đảm bảo đầu vào thông tin cung cấp cho công cụ để nhận được đầu ra chất lượng. Nói cách khác, doanh nghiệp lưu ý chi tiết hóa câu lệnh để kết quả có thể sát nhất mong muốn của người dùng
Ví dụ cụ thể khi viết câu lệnh cho AI trong sản xuất nội dung.
Nhiệm vụ: viết bài đăng Facebook
Những thông tin cần cung cấp cho AI: đối tượng mục tiêu, lĩnh vực ngành hàng, mục đích bài viết, chủ đề bài viết, tông giọng, thông tin sản phẩm/dịch vụ.
Câu lệnh dành cho AI:
“Hãy viết cho tôi một bài đăng Facebook theo cấu trúc AIDA về khóa học Marketing cơ bản. Bài viết nhằm tăng nhận thức của đối tượng tiềm năng qua việc cung cấp các tính năng, lợi ích của khóa học.
Bài viết hướng đến những người học trái ngành. Tông giọng bài viết thể hiện sự đồng cảm tới đối tượng mục tiêu. Một số thông tin về khoá học tôi muốn làm nổi bật trong bài viết là…”.
Ví dụ về sáng tạo nội dung qua AI:
Đây là kênh Tiktok với chủ đề bài học thành công, triết lý nhân sinh nhằm chia sẻ câu chuyện cuộc sống ý nghĩa.
Kênh được xây dựng với mục đích tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) bằng cách gắn giỏ hàng bán sách qua mỗi video.
Tìm hiểu thêm: Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung đa nền tảng | Tomorrow Marketers
2.3. Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Với AI Marketing, doanh nghiệp có thể cung cấp các dịch vụ, trải nghiệm cá nhân hoá với khách hàng.
Để làm được điều này, trí tuệ nhân tạo đã liên tục thu thập, phân tích, học hỏi và thích ứng với các hành vi, hoạt động và các yếu tố liên quan đến khách hàng.
Ví dụ nổi bật:
Về ứng dụng AI trong cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng chắc chắn phải kể đến Tik Tok.
Đây là nền tảng có thuật toán AI vượt trội với khả năng đo lường hoạt động, hành vi của người xem để đề xuất những nội dung phù hợp với sở thích, thị hiếu của người dùng theo thời gian thực.
Tìm hiểu thêm: Personalization là gì? Cách triển khai cá nhân hóa hiệu quả
2.4. Tự động hóa Marketing
Một trong những tính năng nổi bật của AI Marketing là hỗ trợ doanh nghiệp tự động hoá các hoạt động mang tính liên tục, lặp đi lặp lại.
Từ đó, AI Marketing Automation hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu thời gian, giải phóng nguồn lực, tăng cường hiệu suất làm việc cũng như hạn chế những lỗi sai.
Ngoài ra, với khả năng thống kê, phân tích dữ liệu chuyên sâu của AI, quá trình tự động hóa sẽ được tối ưu và cá nhân hoá.
Ví dụ điển hình về AI Marketing Automation:
Ví dụ 1: AI Marketing Automation trong Google UAC
Google UAC (Google Universal App Campaign) là tính năng quảng cáo các ứng dụng của doanh nghiệp trên mạng lưới Google. Hình thức quảng cáo này được tích hợp machine learning, một nhánh của công nghệ AI.
Với Google UAC, gần như tất cả các tác vụ sẽ được Google thực hiện. Ví dụ như, Google sẽ tối ưu vị trí đặt quảng cáo hiệu quả, tìm kiếm các người dùng tiềm năng hay tự thiết kế quảng cáo dựa trên những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp.
Tìm hiểu thêm: Làm cách nào để có thể tối ưu hóa cho Google UAC (Universal App Campaigns)? (P1)
Ví dụ 2: Chatbot AI Marketing
Đây là công cụ giúp doanh nghiệp tương tác và hỗ trợ khách hàng 24/7. Chatbot hỗ trợ trả lời các câu hỏi thường gặp hay thậm chí điều hướng, hướng dẫn khách mua hàng ngay trên cuộc trò chuyện.
Chatbot AI có khả năng thấu hiểu ngôn ngữ tự nhiên của khách hàng để đưa ra câu trả lời phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Chatbot: Công cụ hữu ích trong thực thi chiến lược Marketing
2.5. Tối ưu hoá chiến dịch quảng cáo
Doanh nghiệp có thể tận dụng tính năng của AI Marketing để tối ưu hoá cũng như nâng cao hiệu quả cho các chiến dịch quảng cáo. Trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu chính xác qua khả năng phân tích dữ liệu vượt trội.
Bên cạnh đó, AI giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách bằng cách tự động điều chỉnh giá thầu dựa trên hiệu suất trong thời gian thực của chiến dịch.
Tìm hiểu thêm: AI có thể tối ưu hóa hiệu suất các chiến dịch quảng cáo như thế nào?
3. Case Study hay về AI Marketing
Case Study 1: Nike
Gần đây nhất, Nike đã sử dụng AI Marketing trong việc thiết kế ra các mẫu giày đột phá, hoàn hảo và đáp ứng được tất cả nhu cầu của 13 vận động viên thể thao trong các hạng mục: điền kinh, bóng đá, bóng rổ và quần vợt.
Sau khi đã lắng nghe mong muốn của 13 vận động viên về đôi giày lý tưởng, Nike đã nhập các câu lệnh vào AI và nhận được kết quả ngoài mong đợi với hàng trăm ví về hình ảnh mẫu giày do AI tạo ra cho mỗi vận động viên.
Phía Nike cho rằng AI đã hỗ trợ các nhà thiết kế có thêm nhiều nguồn cảm hứng, tiết kiệm thời gian nghiên cứu và phát triển ý tưởng.
Case Study 2: Pedigree
Pedigree là thương hiệu dinh dưỡng hàng đầu dành cho các chú cún cưng.
Trong những năm gần đây, Pedigree đã thành công nâng cao hình ảnh và tình yêu dành cho thương hiệu với các chiến dịch ứng dụng AI sáng tạo và đầy ý nghĩa.
Chiến dịch 1: Rescue Doodles
Theo báo cáo, Mỹ ghi nhận có khoảng 70 triệu chú chó vô gia cư và con số này mỗi năm lại tăng thêm 3 triệu. Để giúp các chú cún tìm được tổ ấm, Pedigree đã triển khai chiến dịch “Rescue Doodles”.
Dự án đã khuyến khích trẻ em trở thành cầu nối thuyết phục cha mẹ nhận nuôi những chú chó trong trạm cứu hộ. Để làm được điều đó Pedigree đã sử dụng công nghệ AI để tìm kiếm các chú cún có ngoại hình tương ứng với hình ảnh trong mơ trên những bức vẽ của các bạn nhỏ.
Pedigree đã thiết lập một Chatbot AI nơi người tham gia có thể gửi những bức tranh vẽ tới. Tiếp đến, thương hiệu đã sử dụng công nghệ AI để phân tích các bản vẽ dựa trên màu sắc, hình dáng, kích thước và tìm kiếm những chú chó tương ứng ngoài đời.
Nhờ AI Marketing, chiến dịch đã diễn ra thành công với hơn 18 nghìn chú chó được nhận nuôi thành công.
Chiến dịch 2: “Turning every Pedigree ad into a ad for a shelter dog”
Ở chiến dịch lần này, Pedigree tiếp tục thúc đẩy cộng đồng nhận nuôi các chú cho qua công nghệ AI Marketing.
Pedigree đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để biến bức hình thông thường về các chú chó thành những bức ảnh chất lượng cao và sử dụng trong các quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời. Người xem có thể trực tiếp quét mã QR trên quảng cáo và được điều hướng đến landing page để tìm hiểu thêm về bé cún được xuất hiện trên biển quảng cáo.
Quảng cáo về chú chó đã được nhận nuôi sẽ tự động được thay thế bằng quảng cáo về một chú chó khác chưa tìm được mái ấm.
Case Study 3: Netflix
Netflix đã ứng dụng AI Marketing nhằm phân tích dữ liệu, dự đoán hiệu quả và từ đó định hình chiến lược sản xuất, phát hành phim.
Để nắm bắt được thị hiếu của người xem phim, Netflix đã sử dụng AI để đo lường một số dữ liệu như: xu hướng xem được ưa chuộng, tổng thời gian người xem dành ra để xem hết một chương trình dài tập,…
Từ đó, Netflix quyết định sản xuất House Of Card phiên bản Mỹ dựa trên báo cáo người xem có xu hướng ưa chuộng các chủ đề chính trị và quyền lực.
Hơn cả, nhờ AI đào sâu vào dữ liệu, Netflix đã khám phá được người dùng có xu hướng bị cuốn hút, say mê với các cốt truyện phức tạp và thường dành thời gian liên tục để hoàn thành hết chương trình phim dài tập. Vậy nên, Netflix đã phát hành toàn bộ 13 tập của mùa đầu tiên cùng một lúc thay vì hàng tuần theo như bình thường.
Chiến lược này đã giúp bộ phim tạo được tiếng vang và ngay lập tức trở thành “hit”.
Ngoài ra, trước khi bộ phim được chính thức phát hành, Netflix đã thử nghiệm nhiều phiên bản trailer khác nhau lên nhiều đối tượng để đánh giá đoạn giới thiệu nào được quan tâm nhất. Việc này giúp Netflix tối ưu kế hoạch quảng cáo và thu hút người xem dựa trên quảng cáo đã được cá nhân hoá.
Sau sự thành công của AI phân tích dữ liệu, Netflix đã tiếp tục áp dụng chiến lược này và gặt hái được các chương trình phim ăn khách như Stranger Things hay Narcos.
4. AI Marketing: Lời kết
Với sự phát triển của công nghệ tân tiến, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động quảng cáo, Marketing hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng sáng tạo, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tự động hóa marketing hay phân tích dữ liệu, dự đoán thị trường chuyên sâu.
Doanh nghiệp có thể tận dụng tiềm năng của AI Marketing để tối ưu thời gian làm việc, nâng cao hiệu suất công việc và tăng cường trải nghiệm khách hàng.
Liên hệ với CleverAds ngay hôm nay để được tư vấn về các giải pháp Digital Marketing & Performance cho thương hiệu!