Xây dựng thương hiệu & Những yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp
Xây dựng thương hiệu giúp khách hàng có thể dễ dàng ghi nhớ, nhận diện một thương hiệu và phân biệt doanh nghiệp của bạn với các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực.
Bài viết dưới đây, CleverAds sẽ chia sẻ các yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu và một số hoạt động xây dựng thương hiệu phổ biến trong truyền thông – marketing.
1. Xây dựng thương hiệu là gì?
Branding – Xây dựng thương hiệu là quá trình thiết lập hình ảnh và giá trị nhận diện riêng biệt cho một doanh nghiệp. Đây là một hành trình dài hạn để doanh nghiệp gieo trồng hình ảnh và cảm xúc về thương hiệu trong tâm trí khách hàng, giúp họ phân biệt được một thương hiệu với các đối thủ cạnh tranh.
Xây dựng thương hiệu cần doanh nghiệp tạo dựng thông điệp truyền tải nhất quán, bộ nhận diện thương hiệu đồng nhất như logo, màu sắc, phông chữ,… cũng như dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.
Ví dụ:
Cỏ Mềm Homelab và Cocoon Vietnam đều là hai hãng mỹ phẩm Việt Nam cùng chung chí hướng tận dụng thành phần thực vật để sản xuất những sản phẩm thiên nhiên, lành tính. Tuy nhiên, nhờ xây dựng thương hiệu thành công, các đối tượng khách hàng đều có thể dễ dàng phân biệt được hai thương hiệu này với nhau.
Cocoon Vietnam hướng đến mỹ phẩm thuần chay, không thử nghiệm trên động vật và tích cực thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) gây thiện cảm tới người tiêu dùng như: Thu hồi vỏ chai cũ, cứu trợ chó mèo lang thang, thu hồi pin cũ.
Trong khi đó, Cỏ Mềm Homelab truyền tải thông điệp “Mỹ phẩm thiên nhiên lành & thật” cùng với các sản phẩm thiên nhiên, lành tính, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
2. Tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu
Là hoạt động cần thiết, mang giá trị lâu dài để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu mang lại những lợi ích sau cho thương hiệu:
Tăng nhận diện thương hiệu:
Xây dựng thương hiệu giúp người xem dễ dàng nhận biết thương hiệu của bạn là ai. Đồng thời, việc duy trì các hoạt động branding hỗ trợ thương hiệu dễ dàng được ghi nhớ trong tâm trí khách hàng.
Tạo dựng lòng tin:
Doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội, hoặc các hoạt động đánh vào cảm xúc, từ đó giúp thương hiệu gây dựng được thiện cảm với khách hàng.
Nâng cao giá trị thương hiệu:
Hoạt động branding hỗ trợ thương hiệu trở nên có giá trị, giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
3. Các yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu
3.1. Bộ nhận diện thương hiệu
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng giúp khách hàng phân biệt và ghi nhớ doanh nghiệp của bạn dễ dàng cũng như là đại diện cho hình ảnh và giá trị của thương hiệu đó.
Một bộ nhận diện cơ bản thường bao gồm các yếu tố như: logo, màu sắc đại diện, phông chữ typography, phong cách hình ảnh, giọng điệu thương hiệu.
Tìm hiểu thêm: [Update 2024 ] Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì?
3.2. Định vị thương hiệu
Định vị thương hiệu là bước nền tảng giúp doanh nghiệp định hình đường hướng trong xây dựng thương hiệu. Để có thể định vị thương hiệu thành công, doanh nghiệp cần đạt được các hạng mục sau:
- Mỗi ngành hàng thường có đa dạng phân khúc khác nhau dựa trên giới tính, độ tuổi, địa lý, sở thích, thu nhập,…Vậy nên, doanh nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng từng phân khúc khách hàng trong thị trường.
- Lựa chọn thị trường mục tiêu tiềm năng, sau khi hoàn thành phân khúc thị trường
- Định vị thương hiệu hiệu quả là sự giao thoa giữa hai yếu tố khách hàng và thương hiệu. Nói cách khác, các hoạt động, thông điệp truyền tải của doanh nghiệp cần nói lên tinh thần, giá trị của thương hiệu và đồng thời “chạm trúng” tâm lý của khách hàng.
Tìm hiểu thêm: Định vị thương hiệu: Yếu tố cốt lõi & chiến lược hiệu quả
3.3. Sự đồng nhất
Khi xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố đồng nhất xuyên suốt mọi hoạt động của thương hiệu.
Các nội dung, thông điệp cũng như trải nghiệm dịch vụ của khách hàng đều cần được xây dựng một cách nhất quán, để thương hiệu có thể dễ dàng hình thành một phong cách, hình tượng trong mắt đối tượng mục tiêu.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, để có thể xây dựng nội dung, hoạt động nhất quán, doanh nghiệp cần bám sát các giá trị cốt lõi, tính cách thương hiệu và bộ nhận diện đã được thiết lập.
Tìm hiểu thêm: Brand Personality là gì? Bạn đã hiểu đúng về tính cách thương hiệu? | Tomorrow Marketers
4. Các hoạt động xây dựng thương hiệu hiệu quả
4.1. Social Media Marketing
Social media marketing là hoạt động tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok,… Hiện nay các nền tảng social media được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích sử dụng với mục đích đa dạng như cập nhập thông tin, giải trí, kết nối, sáng tạo nội dung,…
Bên cạnh đó, với xu hướng social commerce, một số nền tảng đã bắt đầu tích hợp các tính năng mua sắm ngay trên các kênh mạng xã hội với mục đích mang lại trải nghiệm liền mạch tới khách hàng. Từ đó, social media được người dùng Việt Nam ưa chuộng hơn bao giờ hết. Có thể thấy, Social Media Marketing chính là hoạt động xây dựng thương hiệu tiềm năng.
Để xây dựng thương hiệu qua các hoạt động social media marketing, doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động như:
- Content Marketing: Xây dựng nội dung giá trị trên các trang mạng xã hội sở hữu của thương hiệu
- Influencer Marketing: Tận dụng tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng, có tiếng nói trong lĩnh vực cụ thể để quảng bá thương hiệu.
- Quảng cáo trả phí: Đây là phương thức đưa thông điệp quảng cáo của thương hiệu đến gần hơn với đối tượng mục tiêu
Tìm hiểu thêm: Social Media Marketing & Thúc đẩy nhận diện thương hiệu
4.2. SEO và Google Ads
Trong xây dựng thương hiệu, SEO và Google Ads là hai hoạt động digital marketing quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường khả năng hiển thị của website trên Google tìm kiếm cũng như các nền tảng liên kết với Google như Youtube, các trang báo điện tử, Gmail,…
Từ đó giúp thương hiệu thu hút lượng truy cập vào website chất lượng, tiếp cận khách hàng tiềm năng và củng cố vị thế thương hiệu trên thị trường trực tuyến.
Website không chỉ đơn thuần là kênh bán hàng trực tuyến hay nơi cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Mà website còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Khách hàng có thể đánh giá mức độ uy tín của thương hiệu thông qua chất lượng, nội dung và trải nghiệm mà website mang lại.
Vậy nên, doanh nghiệp nên cân nhắc đầu tư triển khai các hoạt động SEO và Google Ads trong hành trình xây dựng thương hiệu.
Tìm hiểu thêm: SEO là gì? Phân biệt giữa Làm SEO và quảng cáo Google Adwords
4.3. Hoạt động trách nhiệm xã hội
Trong xây dựng thương hiệu, hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) là một trong những chiến lược hiệu quả.
Đây được biết đến là sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp đối sự phát triển của cộng đồng, xã hội nói chung. Việc thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội giúp tăng thiện cảm và sự ủng hộ của công chúng đối với thương hiệu.
Một số hoạt động CSR xây dựng thương hiệu phổ biến như:
Môi trường
Các hoạt động vì môi trường thường bao gồm các dự án như ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện và bảo vệ môi trường tự nhiên,…
Cộng đồng
Hoạt động vì cộng đồng có thể bao gồm các dự án từ thiện, hỗ trợ giáo dục, y tế địa phương,…
Ví dụ:
Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã thực hiện chương trình “Mái Ấm Gia Đình Việt” nhằm xây dựng tổ ấm cho các mảnh đời khó khăn trên mọi nẻo tổ quốc. Chương trình được ghi hình mà phát sóng thành từng tập và được đăng tải trên các kênh trực tuyến.
“Mái Ấm Gia Đình Việt” đã lay động trái tim khán giả bằng cách khéo léo dẫn dắt họ qua những câu chuyện đầy cảm xúc của những hoàn cảnh thiếu thốn
Ngoài ra, chương trình đông đảo nhận được sự quan tâm của khán giả với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoa Hậu Thuỳ Tiên, Hương Giang, Quyền Linh, Nhã Phương,…
Đạo đức, quyền con người
Trách nhiệm liên quan đến đạo đức, quyền con người thường liên quan đến các hoạt động chống phân biệt chủng tộc, giới tính, nhân quyền của trẻ em, phụ nữ.
Ví dụ:
Nhằm thể hiện tinh thần tôn trọng sự đa dạng và quyền bình đẳng, Tokyolife đã triển khai chiến dịch “Ngôi nhà thiên thần” với mục tiêu tạo công ăn việc làm tới những người khuyết tật.
Theo báo cáo vào gần cuối năm 2023, Tokyolife đã hỗ trợ hơn 300 bạn khuyết tật có công việc ổn định và trở nên hòa nhập hơn với xã hội.
Doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận (NGOs) nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với xã hội. Ví dụ, Cocoon Vietnam đã ký kết với Tổ Chức Động Vật Châu Á AFF nhằm “Chung tay cứu trợ chó mèo lang thang”.
Qua chiến dịch này, Cocoon đã ra mắt phiên bản sản phẩm giới hạn với hình ảnh của các em chó mèo dễ thương khác nhau trên bao bì. Với mỗi sản phẩm giới hạn được bán ra, Cocoon cam kết sẽ trích 10.000 VNĐ vào quỹ của AFF.
Tìm hiểu thêm: CSR trong marketing là gì? Những yếu tố giúp chiến dịch thành công
5. Case study xây dựng thương hiệu thành công
5.1. Biti’s
Biti’s là thương hiệu chuyên sản xuất giày, dép tại Việt Nam, và từng được săn đón nồng nhiệt bởi các thế hệ 8x, 9x. Tuy nhiên, với sự du nhập của các thương hiệu giày phương tây như Nike, Adidas, Biti’s dần đánh mất đi vị thế của mình trên thương trường.
Để một lần nữa lấy lại niềm yêu thích của người tiêu dùng Việt, Biti’s đã tập trung xây dựng thương hiệu nhắm vào phân khúc giới trẻ.
Bên cạnh các chiến lược thay đổi mẫu mã sản phẩm, bao bì, giá cả hay phương thức phân phối, Biti’s đã đầu tư xây thương hiệu qua các hoạt động truyền thông như:
- Tận dụng hình ảnh của Sơn Tùng MTP và lồng ghép khéo léo giày Biti’s vào MV “Lạc Trôi”
- Triển khai chiến dịch “Đi để trở về” với sự góp mặt của Soobin Hoàng Sơn
Cả hai hoạt động đã giúp Biti’s nâng cao vị thế trong thị trường và thành công xây dựng thương hiệu trong tâm trí tệp người tiêu dùng trẻ.
5.2. Haidilao
Haidilao là chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc nổi tiếng, là một trong những ví dụ xây dựng thương hiệu thành công điển hình. Khác với các thương hiệu chỉ tập trung vào sản phẩm, Haidilao đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu với dịch vụ tận tâm trên cả mong đợi, cụ thể như:
- Cung cấp các dịch vụ giải trí trong thời gian khách hàng chờ có bàn như làm móng, đồ ăn nhẹ miễn phí, làm ốp điện thoại,…
- Nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo trong suốt thời gian khách dùng bữa
- Các dịch vụ tạo bất ngờ quan tâm khách hàng như tổ chức sinh nhật, tặng quà cho khách sau bữa ăn.
Ngoài ra, Haidilao còn biết tận dụng các trang mạng xã hội để tạo trào lưu, giúp thu hút khách đến nhà hàng như “Bing Chilling”, “Tạo trái tim với nhân viên”, “Mai-đẹt-ti-ni”,…
6. Xây dựng thương hiệu: Kết Luận
Xây dựng thương hiệu là hoạt động xuyên suốt trên con đường phát triển của doanh nghiệp và giúp mang lại giá trị lâu dài, bền vững tới thương hiệu.
Thông qua xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, để lại dấu ấn trong lòng đối tượng mục tiêu và trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Với sự phát triển của truyền thông – marketing, doanh nghiệp có thể lựa chọn đa dạng hình thức xây dựng thương hiệu như social media marketing, hoạt động trách nhiệm xã hội, kết hợp với những nhân vật có tầm ảnh hưởng,…
Liên hệ với CleverAds ngay hôm nay để được tư vấn về các giải pháp Digital Marketing & Performance cho thương hiệu!