Thị trường cà phê: Xu hướng và cơ hội phát triển kinh doanh
Thị trường cà phê nội địa cũng như quốc tế đang trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Vậy ngành cà phê Việt Nam cần phải làm gì để thích nghi với những biến chuyển và duy trì phát triển bền vững?
Trong bài viết này, hãy cùng khám phá các xu hướng mới, cơ hội và thách thức đối với thị trường cà phê hiện nay.
1. Xu hướng thị trường cà phê
1.1. Cà phê tại nhà
Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều người đã dần dần thay đổi thói quen từ uống cà phê ngồi hàng quán sang uống tại nhà.
Xu hướng này dẫn tới sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê đóng gói sẵn, cà phê dạng nén và các thiết bị pha cà phê tại nhà.
Sự thay đổi đó tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
1.2. Cà phê kết hợp
Nhiều loại thực phẩm như sữa hạt, sữa dừa hoặc thậm chí các hương liệu tự nhiên như quế, vani đang được kết hợp sử dụng phổ biến trong cà phê.
Sự pha trộn này mang lại cảm giác thú vị và trải nghiệm vị giác mới lạ cho người thưởng thức.
Ngoài ra, các dòng cà phê như cà phê collagen, cà phê nấm hay cà phê protein không chỉ ngon miệng mà còn tốt cho sức khỏe của người sử dụng.
1.3. Cà phê trải nghiệm
Cà phê trải nghiệm là xu hướng kết hợp giữa nghệ thuật pha chế, kiến thức về cà phê và trải nghiệm thực tế của người tiêu dùng.
Tức là, thay vì chỉ uống cà phê như thông thường, người tiêu dùng trực tiếp tham gia vào quá trình pha chế, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và kỹ thuật đằng sau mỗi hạt cà phê.
Cà phê trải nghiệm dưới dạng các hình thức như các lớp học pha chế chuyên nghiệp, sự kiện thưởng thức cà phê từ nhiều vùng khác nhau hoặc các chuyến tham quan tại trang trại cà phê.
Xu hướng này không chỉ làm thỏa mãn khẩu vị mà còn tạo ra giá trị tinh thần và văn hóa sâu sắc, góp phần nâng cao giá trị của thị trường cà phê.
Nắm bắt được xu thế này, vào năm 2020, Nestle lần đầu thực hiện chương trình trải nghiệm vườn cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Chuỗi hoạt động cho phép người tham gia có cơ hội khám phá quy trình sản xuất cà phê cũng như tìm hiểu cuộc sống của những người làm cà phê.
Trải nghiệm giúp xây dựng kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Đồng thời, giúp họ thay đổi cách sử dụng cà phê sao cho hiệu quả hơn.
1.4. Cà phê nhanh
Trong những năm trở lại đây, nhằm đáp ứng yêu cầu tiện lợi và nhanh chóng của người tiêu dùng, các thương hiệu và các nhà sản xuất đã tập trung vào việc cho ra mắt các sản phẩm cà phê hòa tan hoặc hộp sẵn.
Hiện nay, các thương hiệu cửa hàng cà phê lớn như Highland, Phúc Long, Cộng Cà Phê,v.v. cũng cung cấp các sản phẩm cà phê đóng gói để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Ngoài ra, những xe đẩy cà phê cũng ngày càng “mọc nhanh như nấm”. Có thể dễ dàng bắt gặp nhất ở thời điểm hiện tại trên các con phố là những xe cà phê muối.
Thay vì phải vào quán hoặc chờ đợi lâu, thì nay mọi người chỉ cần dừng ở vỉa hè và chờ đợi khoảng 5 phút đã có ngay một cốc cà phê mang đi. Không những vậy, bất cứ ai cũng có thể thưởng thức một ly cà phê chỉ với giá 15-35 nghìn đồng.
Mô hình này tiết kiệm thời gian cho người mua cũng như làm tăng nhu cầu uống cà phê, hình thành văn hóa thưởng thức cà phê hàng ngày.
1.5. Đầu tư công nghệ
Công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trong từng giai đoạn từ canh tác, chế biến hạt cà phê cho đến dịch vụ trải nghiệm của người dùng.
Các công nghệ như cảm biến nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu thông minh và máy móc chế biến tự động đang được sử dụng phổ biến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất sản xuất.
Đồng thời, nhiều quán cà phê cũng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang hình thức tự phục vụ, giúp tối ưu hóa việc quản lý hàng hóa và nhân viên.
Các dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng nhanh góp phần tạo nên sự tiện lợi cho người tiêu dùng, không cần phải di chuyển tới quán mà vẫn có cà phê để thưởng thức.
2. Thói quen tiêu dùng thị trường cà phê
2.1. Thế hệ trẻ là người tiêu dùng chính
Theo báo cáo kinh doanh ẩm thực Việt Nam năm 2023 của iPos:
Trong số 4000 tham gia khảo sát, có tới 59,5% sẵn sàng chi tiêu trên 41.000 VND mỗi ngày cho việc đi cà phê.
Nhiều người trẻ sẵn sàng chi trả cho cà phê số tiền nhiều hơn ba bữa ăn chính trong ngày.
Họ lựa chọn ngồi quán cà phê bởi việc đó cho họ cảm hứng học tập, làm việc cũng như không gian để gặp gỡ đối tác, trò chuyện bạn bè hoặc check in chụp ảnh.
Mặt khác, nhiều người lựa chọn uống cà phê mang đi hoặc tự pha cà phê tại nhà để tiết kiệm chi phí và phù hợp với sở thích.
Nhìn chung, văn hóa uống cà phê tại Việt Nam đang thay đổi đáng kể, đặc biệt ở thế hệ trẻ, không đơn thuần là một thức uống bình thường mà còn để thưởng thức và nhâm nhi.
2.2. Nhu cầu sử dụng cà phê Specialty
Cà phê specialty (cà phê đặc sản) là thuật ngữ dùng đề cập tới các cà phê chất lượng cao, được đánh giá tốt hơn so với loại thông thường nhờ vào quy trình rang theo cách thức bảo vệ tối đa hương vị nguyên bản.
Bởi lẽ, người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến hương vị mà còn chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc và quy trình sản xuất.
Do đó, họ ngày càng có xu hướng ưa chuộng hương vị độc đáo cùng chất lượng cao cấp của loại cà phê Specialty.
3. Thách thức của thị trường cà phê Việt Nam
3.1. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đã gây ra những thay đổi khó lường cho môi trường trồng cà phê, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của cây cà phê.
Nhiệt độ tăng cao, mưa thất thường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra khó khăn cho việc canh tác và bảo vệ cây cà phê như sâu bệnh, mất màu sắc.
Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê.
3.2. Giá cả biến động trong thị trường cà phê
Giá cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế thường bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, chính trị.
Hiện nay, chi phí sản xuất cà phê đang tăng cao hơn trong khi giá bán cà phê trên thị trường thế giới đang ở mức rất thấp.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cán cân cung – cầu mà còn gây khó khăn cho việc đầu tư, sản xuất và hoạt động xuất khẩu của thị trường cà phê.
3.3. Cạnh tranh khốc liệt
Ngày càng nhiều các quán cà phê kinh doanh mở ra tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới liên tục và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng thị hiếu khách hàng.
Xây dựng thương hiệu mạnh mẽ nhằm cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Starbucks hay Nestle cũng như tồn tại và phát triển trong ngành.
Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu: Yếu tố thành công cho doanh nghiệp
4. Triển vọng của thị trường cà phê Việt Nam
4.1. Mở rộng thị trường cà phê
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đóng góp một phần quan trọng trong tổng sản lượng cà phê toàn cầu.
Với ưu thế về điều kiện tự nhiên và lao động giá rẻ, ngành cà phê Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ cà phê đang tăng mạnh, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
4.2. Đầu tư vào cà phê Specialty
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng cà phê. Do đó, họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho cà phê Specialty có chứng nhận chất lượng.
Đây là một phân khúc đầy triển vọng, cho phép các doanh nghiệp đầu tư và cung cấp chất lượng cao và trải nghiệm cà phê tốt nhất. Từ đó, thu hút khách hàng và gia tăng doanh số.
4.3. Chiến lược phát triển bền vững
Phát triển bền vững không chỉ thân thiện môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nên áp dụng các kỹ thuật canh tác đảm bảo bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất và bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, nâng cao đời sống của người nông dân thông qua các chương trình hỗ trợ kinh tế.
Tạo lòng tin với người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc đạt các chứng nhận bền vững như Fair Trade, Organic, Rainforest Alliance.
Đồng thời, triển khai các chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững và hợp tác cộng đồng, nhằm phát triển dài hạn trên thị trường.
Hơn hết, các doanh nghiệp cà phê cần không ngừng đổi mới và cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đảm bảo duy trì bền vững cho tương lai.
Thị trường cà phê: Lời kết
Trong thị trường cà phê đầy biến động, song song với những cơ hội phát triển đầy tiềm năng là những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp và tầm nhìn dài hạn.
Mong rằng những thông tin bổ ích về thị trường cà phê sẽ giúp bạn nắm bắt được xu hướng và phát triển kinh doanh thành công.